Ghi chép: SAU MỘT CHUYẾN ĐI
|
Quỳnh Trang
Văn phòng Công ty
|
Làm việc với uỷ ban nhân dân xã Tân Phú |
Chiếc xe của chúng tôi lắc lư trên những con đường mòn dẫn vào những vùng rất sâu của huyện Châu Thành tỉnh Bến Tre. Vừa mới mưa xong nên con đường vẫn còn bên bết những đất bùn. Nơi chúng tôi dừng chân đầu tiên là trụ sở Uỷ ban huyện Châu Thành - một huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Bến Tre.
Sau khi có cuộc làm việc nhanh chóng giữa Đ/c Trần Thị Tuyết Nhung đại diện cho Đoàn cơ sở Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình, đ/c Ngô Cao Sơn đại diện cho chi đoàn Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 301 với Uỷ ban huyện về việc xây nhà tình nghĩa và nhà tình thương tại địa phương, Uỷ ban Huyện đã bố trí anh Hiền công tác tại Phòng Đăng ký Đất đai của Huyện làm hoa tiêu cho chúng tôi đi khảo sát thực tế các căn nhà thuộc diện chính sách cần được sửa chữa và xây dựng một mái ấm. Đây là một nghĩa cử cao đẹp của những đoàn viên thanh niên trong Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình góp phần chia sẻ với các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn.
Có một sự trùng khớp là đ/c Đỗ Văn Thọ - Bí thư Đoàn Khối, đ/c Hoàng Thị Mạnh Kha – Phó Bí Thư Đoàn khối đại diện cho Đoàn Thanh niên Khối Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đến huyện Châu Thành và triển khai việc xây dựng một căn nhà tình nghĩa tại xã Tường Đa. Chúng tôi nhập thành một đoàn cùng đi vì mục đích của chúng tôi là một.
Sau khi vòng vèo qua các con đường nhỏ xíu đầy kênh rạch, chúng tôi vào nhà má Mãng. Năm nay má 78 tuổi, nhà má thuộc xã An Khánh của huyện Châu Thành, má có chồng và con là sĩ. Căn nhà má sống cũng vào thời điểm xuống cấp, mái nhà che chắn không thể chịu đựng với những cơn mưa dày nặng hạt, xung quanh những mảnh ván lắp ghép chằng chịt không thể chống đỡ với những trận gió giao mùa. Trong nhà không có thứ gì quý giá ngoài hai bằng Tổ quốc ghi công người thân yêu nhất của má. Sau khi nói chuyện với má về việc chúng tôi xin phép được sửa sang, xây dựng lại căn nhà kiên cố hơn cho má, mắt má chợt rưng rưng. Tôi cảm nhận được sự xúc động của má và chia sẻ với má sự hiu quạnh của tuổi già sức yếu, trong ngôi nhà thiếu vắng chồng và hai người thân yêu đã anh dũng hi sinh trong chiến tranh, để lại cho má sự đau đớn không gì bù đắp nổi. Với tấm lòng của các đoàn viên thanh niên trong Công ty muốn dành cho má một mái ấm tuy nhỏ, nhưng chứa chan tấm lòng biết ơn chia sẻ với má nỗi đau mất chồng mất con cho mảnh đất hồi sinh, cho cháu con được hưởng hoà bình.
Điểm dừng chân thứ hai, chúng tôi khảo sát thực tế căn nhà của anh thương binh Tạ Văn Bỉ ở xã Tường Đa, anh tham gia kháng chiến năm 1963 tại chiến trường Miền Đông. Sau chiến tranh, anh trở về với quê hương với thương tật 3/4, chiến tranh đã lấy đi của anh sức vóc cường tráng của một người đàn ông cao lớn. Anh ngồi đó tiều tuỵ, bệnh tật, với nụ cười vô hồn, trong căn nhà dột nát, mái tranh vách lá chỉ mỗi cái võng treo ngang nhà làm chỗ cho anh nằm nghỉ. Tưởng tượng chỉ một cái rung nhẹ cũng đủ làm cho ngôi nhà nhỏ xíu của anh đong đưa. Cảnh vật quá đỗi heo hút vì muốn vào nhà anh, chúng tôi phải đi bộ một khoảng rất xa. Trên đường đi với đầu óc tưởng tượng của mỗi người cũng có thể làm cho chúng tôi sợ hãi, vượt qua 3 cây cầu nhỏ xíu chông chênh, kênh rạch chằng chịt, chỉ sơ suất một chút thôi cũng đủ cho chúng tôi ngập tràn trong bùn và nước. Chúng tôi tưởng tượng đến những điều không may, lỡ có chuyện gì đêm hôm việc di chuyển thật khó khăn biết bao, thương cho những mái tranh nghèo thưa thớt nằm lẫn khuất trong những rặng dừa, một con đường nói đúng hơn là một vài lối mòn dẫn vào nhà họ. Chúng tôi xúc động thật sự khi đặt chân đến nhà của anh, không phải là ở đâu quen đó mà thật sự từng bước chân dẫn vào nhà anh chúng tôi muốn rơi nước mắt. Có những chuyến đi thế này chúng tôi mới hiểu hết những thiệt thòi của người dân nghèo và thầm nhủ lòng mình phải sống thế nào để không thẹn với những người dân ở đây - một vùng đất anh hùng, nghèo có tới 235 hộ là gia đình thương binh liệt sĩ.
Anh không biết gì về việc chúng tôi đến đây muốn giúp anh dựng lại mái nhà, chúng tôi nói với vợ anh: “Căn nhà của vợ chồng anh đã không thể là nơi trú ngụ nữa rồi, chúng em đến đây thay mặt cho những đoàn viên thanh niên trong Khối Bộ Tài nguyên và Môi trường giúp anh chị xây sửa lại cho ổn định…”, vợ anh cũng hồn hậu như anh vậy, anh bảo với chúng tôi: “Nhà vầy ở được rồi, xây chi nữa…” Thương cho câu nói của anh, bản chất người lính năm xưa vẫn y nguyên trong con người anh vậy. Trước khi ra về, anh cho chúng tôi một nắm ớt làm quà. Trong rất nhiều món quà được nhận trong đời có lẽ món quà của anh thương binh 3/4 Tạ Văn Bỉ đã làm cho chúng tôi cay sè đôi mắt, tuy nhỏ bé nhưng cũng đủ làm cho chúng tôi cảm thấy phải sống xứng đáng với những gì mà các cha anh đã hi sinh.
Vẫn còn nhiều lắm những gia đình thương binh liệt sĩ khó khăn cần được quan tâm và giúp đỡ, bởi mảnh đất này ngày xưa giặc Mỹ đã giày xéo và lấy đi bao máu xương của họ.
Chúng tôi hẹn ngày 27/7/2007 sẽ xuống đây một lần nữa để cùng chia sẻ niềm vui với má Mãng, với anh Tám Bỉ trong căn nhà mới. Chúng tôi biết với số tiền nhỏ bé 15.000.000đ cho một căn nhà, để chia sẻ với những nỗi đau mất mát của những người đã cống hiến máu xương và hạnh phúc của mình cho đất nghèo nở hoa kết trái thì vẫn chưa thấm tháp vào đâu. Mong rằng những người như má Mãng, anh Tám Bỉ cũng như những người dân nơi đây hiểu được tấm lòng của chúng tôi góp một chút cùng đền ơn đáp nghĩa. Nghĩa cử ấy không phải chúng tôi mà những người được sống trong hoà bình cần quan tâm hơn nữa và thiết thực hơn nữa.
Chiếc xe lại đưa chúng tôi lách sâu vào những con đường mòn đất đỏ đến xã Tân Phú - một xã nghèo của Huyện, nơi mà những người đo đạc thuộc Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 301 đang công tác tại đây, chính họ đã được bà con thương và đùm bọc trong suốt những thời gian làm việc tại đất này. Muốn có một chút gì đó lưu lại nơi đây để đáp lại những tấm lòng hồn hậu, chân tình của người dân nơi đây đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Những đoàn viên thanh niên thuộc chi đoàn Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 301 đã góp 7.000.000đ và nhờ chính quyền xã Tân Phú đứng ra giúp đỡ xây một căn nhà tình thương cho anh chị Nguyễn Văn Huấn Em. Đây là một gia đình khó khăn nhất trong xã, căn nhà tranh ọp ẹp đã không còn khả năng che nắng che mưa cho họ - những con người rất đỗi hiền lành nhân hậu. Cuộc sống quá khó khăn buộc họ phải đi làm thuê làm mướn ở khắp nơi để nuôi sống gia đình và con cái. Khi chúng tôi đến, họ đã đi làm mướn ở Đồng Tháp chưa về, mái nhà đơn độc giữa chiều vắng, chỉ có mấy đứa trẻ con đưa đôi mắt tròn ngây thơ nhìn chúng tôi bẽn lẽn. Không gặp được họ, chúng tôi làm việc với Uỷ ban nhân dân xã về phương án xây nhà và thời điểm bàn giao vào ngày 27/7; Uỷ ban nhân dân xã nhất trí nhận lời.
Chúng tôi trở về Thành phố Hồ Chí Minh, trên đường về, mỗi chúng tôi cứ đuổi theo những suy nghĩ của riêng mình, nhưng tôi biết trong lòng mỗi người thầm ước ao hàng năm mình sẽ được quay lại nơi này và nhiều nơi khác nữa để góp một chút gì đó chia sẻ với mọi người về những khó khăn trong cuộc sống. Điều đầu tiên chúng tôi làm là sẽ sống tốt hơn để xứng đáng là một đoàn viên thanh niên xung kích tình nguyện.
Bến Tre, 28/6/2007.
|