Hoàng Quốc Thuận: |
Người có nhiều sáng kiến đem lại nhiều lợi ích trong công tác |
Hội đồng thi đua Công ty
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật hiện nay, nhất là trong lĩnh vực thiết bị đo đạc bản đồ, thì máy đo quang cơ của chúng ta trở thành lạc hậu. Thay thế vào đó là các loại máy đo điện tử với hiệu suất và tính năng vượt trội. Máy móc hiện đại thể hiện rõ ưu điểm, đó là nguồn điện – năng lượng để cho máy hoạt động nhiều khi không được đáp ứng.
Các máy đo sau khi đưa vào sử dụng 1,5 đến 2 năm là nguồn điện của máy (pin) sẽ bị hỏng. Khi sản xuất ở các vùng chưa có điện lưới thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn để sạc pin cho máy .
Kèm theo máy đo là phải có máy sạc pin. Khi máy sạc pin bị hỏng và chưa có điều kiện thay thế thì máy đo cũng không hoạt động được.
Ba giải pháp của anh nhằm mục đích giải quyết những khó khăn đó:
Giải pháp 1: Sử dụng các loại pin có trên thị trường để thay thế cho pin đặc chủng của máy đo điện tử.
Xuất phát từ những khó khăn như đã nêu trên, anh đã tìm hiểu từng loại, sau đó tìm kiếm trên thị trường. Kết quả là có một số loại pin công nghiệp chuyên dùng nhưng là những loại thông dụng hơn như pin camera, pin máy thông tin, bộ đàm ... mà công thức cũng như cấu tạo có thể dùng để lắp ráp cho pin máy đo của chúng ta.
Khi đã có được những loại pin tương thích, công việc đầu tiên là kiểm tra các trị số. Anh đã đấu nối, nạp và phóng với các thiết bị ngoài để kiểm tra giá trị thực của sản phẩm, sau đó là khâu lắp ráp. Khâu này phải đảm bảo được ba yêu cầu đó là chắc chắn, đúng kích thước và hàn nối bằng vật liệu không gỉ.
Sau khi sản phẩm hoàn thành, chúng ta hoàn toàn yên tâm về độ bền vì đây là các loại pin mới, chất lượng cao do Nhật sản xuất. Kết quả với máy đo thuỷ chuẩn điện tử DL 101C 7,2V 1400m AH, thời gian đo thực tế được 13 giờ liên tục, vượt 1 giờ so với pin nguyên bản của máy. Với các máy đo SET 5A, SET 5E, Geodimenter, Topcon GTS701... Thời gian đo đều đạt từ bằng đến vượt thời gian đo của pin nguyên bản (các sản phẩm này đã được đưa vào phục vụ sản xuất ở xí nghiệp 103 từ giữa năm 2002 đến nay chưa có hiện tượng hư hỏng).
Như vậy, khi đã tự lắp ráp thành công các loại pin này, đơn vị hoàn toàn chủ động trong sản xuất, giá thành sản phẩm chỉ bằng 20 – 25 % giá thành mua pin nguyên chiếc. Lợi ích kinh tế không hề nhỏ.
Giải pháp 2: Sử dụng ắc-quy ôtô để sạc điện cho pin máy đo điện tử.
Sạc điện từ ắc-quy ô tô sang pin của máy đo điện tử không còn mới khi máy của chúng ta là 12V (bằng với điện áp của ắc quy ô tô). Khi đó chúng ta chỉ cần mắc song song pin máy vào ắc quy ô tô vài giờ là có thể dùng được (các đơn vị đo GPS đã làm). Nhưng khi pin máy đo là loại 7,2V (thuỷ chuẩn điện tử, Topcon GTS 701...) hoặc 6 V như SET 5A, SET 5E thì sao ? Anh mày mò tự dùng dây điện trở Vonfram quấn một điện trở mắc nối tiếp vào mạch, sau đó thay đổi trị số (chiều dài của dây) để có dòng điện nạp thích hợp. (Trường hợp không có điện trở ta có thể dùng một bóng đèn xe máy loại 12V 5 – 8 W thay thế). Đây chính là phụ tải bảo vệ pin máy của chúng ta, giống như thiết bị trong các máy sạc nguyên bản. Trong trường hợp tổ sản xuất không có xe ô tô thì chỉ cần một bình ắc quy 12V 50 – 70 AH, là có thể cung cấp điện cho một máy đo từ 12 đến 15 ngày một lần sạc điện.
Giải pháp này giúp chúng ta hoàn toàn chủ động trong sản xuất, hiệu quả kinh tế không nhỏ, nếu hoạch toán thời gian và chi phí đi lại hàng ngày để sạc pin cho máy đo chưa kể thời gian chờ đợi và những phát sinh trong quá trình đi lại.
Giải pháp 3: Tự lắp ráp thành công máy sạc pin của máy đo điện tử.
Trong quá trình đưa các loại máy đo điện tử vào hoạt động, chúng ta cũng thường gặp những trường hợp hỏng hóc của máy sạc pin khi sử dụng ở những nơi điện lưới không ổn định. Những sự cố này sẽ sửa chữa được khi hỏng hóc thông thường, nhưng có những trường hợp hỏng hóc trên các linh kiện đặc chủng hoặc hỏng nhiều chi tiết một lúc thì phải tìm mua máy mới rất khó khăn.
Đầu năm 2003 tổ đo địa chính ở xã Việt Tiến – huyện Bảo Yên – tỉnh Lào Cai có một chiếc máy sạc pin TOPCON BC 20 CR bị hỏng nhưng không có IC thay thế. Không chịu đầu hàng, anh nghĩ đến những chiếc máy sạc pin kiểu kinh điển. Mạnh dạn lắp ráp với phần hạ thế bằng biến áp, nắn dòng bằng điốt, ổn định bằng tụ và điều chỉnh dòng bằng điện trở (máy thuỷ chuẩn điện tử hiện đại vẫn sử dụng bộ sạc kiểu này). Sau khi thử nghiệm với các thiết bị ngoài rất tốt, máy được đưa ngay vào phục vụ sản xuất.
Sau khi hoàn thành sản phẩm này, ngoài việc khắc phục sự cố kịp thời (chỉ sau một đến hai ngày) chủ động sản xuất, thì lợi ích kinh tế cũng không hề nhỏ. Giá mua linh kiện để lắp ráp một chiếc máy loại này khoảng 150.000 đ trong khi đó giá mua một chiếc máy mới không dưới 3.000.000 đ.
Sử dụng linh kiện và kiểu dáng đặc chủng, dường như các hãng sản xuất muốn chúng ta hoàn toàn lệ thuộc. Nhưng bằng sự tìm tòi và sáng tạo, chúng ta đã chủ động được trong việc duy trì hoạt động của thiết bị máy móc – phát huy hết những ưu điểm của máy đo điện tử, tự khắc phục được những nhược điểm để làm chủ trang thiết bị.
Với ba sáng kiến này, từ năm 2002 anh Hoàng Quốc Thuận đã cùng với đơn vị (Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 103) chủ động giải quyết phần lớn sự cố về nguồn điện cho máy đo. Sáng kiến của anh đã được Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 103 công nhận đưa vào áp dụng rộng rãi và được Giám đốc Công ty khen thưởng tháng 8 năm 2003.
|