Hội nghị giao ban tập trung 2 nội dung chính: kết quả thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 1/9/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất trên địa bàn thành phố Hà Nội” và tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, mục tiêu, giải pháp thực hiện trong năm 2018.
Sự phiền hà của người dân giảm đáng kể
Qua 1 năm rưỡi thực hiện Chỉ thị số 09, từ chỗ khó khăn, đạt kết quả thấp, tình hình đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có chuyển biến rõ nét, đạt những kết quả rất tích cực.
Tính đến ngày 16/3/2018, trên địa bàn Thành phố đã thực hiện cấp Giấy chứng nhận và đăng ký kê khai đất đai lần đầu đạt 98,9% (1.535.543 thửa/1.551.951 thửa); cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tại dự án phát triển nhà ở đạt 90,32% (161.028 căn/178.278 căn); cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà tái định cư đạt 92,11% (12.920 căn/14.027 căn); cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đạt 99,01% (616.704/622.861 GCN), cấp Giấy chứng nhận cho các tổ chức đạt 89,54% (17.233/19.247 thửa đất).
HĐND Thành phố đã tổ chức Đoàn giám sát tình hình, kết quả cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng và 8 quận, huyện; HĐND các cấp hằng năm đều đã giao chỉ tiêu cấp Giấy chứng nhận, phân bổ kinh phí cho các ngành, các cấp để tổ chức thực hiện và giám sát việc thực hiện.
UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 191/KH-UBND, ngày 11/10/2016 về các nhiệm vụ và giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thường xuyên tổ chức nhiều hội nghị giao ban với các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thành lập các tổ liên ngành, nòng cốt là sở Tài nguyên và Môi trường để hướng dẫn tất cả 30 quận, huyện, thị xã; ban hành nhiều văn bản, quy định, quyết định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm thành phần hồ sơ và thời gian giải quyết; quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sự phiền người dân đã giảm đáng kể. Lãnh đạo Thành phố đã nhận được nhiều bức thư cảm ơn của người dân, các tổ chức.
Tại Hội nghị, các ý kiến thẳng thắn nhìn nhận: việc cấp Giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn Thành phố còn chưa đạt kế hoạch; công tác đăng ký, kê khai đất đai, cấp Giấy xác nhận đăng ký đất đai chưa đạt mục tiêu; công tác bán nhà cho người mua nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước còn chậm; công tác quản lý, thống kê, theo dõi đối với quỹ nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hạn chế, đến nay một số cơ quan tự quản của Trung ương và Hà Nội chưa bàn giao cho Sở Xây dựng quản lý; việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sau dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp chưa dứt điểm; công tác cấp Giấy chứng nhận cho các cơ sở tôn giáo kết quả đạt thấp; vẫn còn tình trạng tồn đọng hồ sơ chưa được giải quyết kịp thời.
Ngoài những nguyên nhân khách quan, việc cấp cấp Giấy chứng nhận cho một số loại đất trên địa bàn Thành phố còn chưa đạt kế hoạch còn do một số nguyên nhân chủ quan: Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về đất đai, vận động người dân thực hiện việc đăng ký, kê khai đất đai, cấp Giấy chứng nhận chưa cao; ý thức của một bộ phận người dân, chủ sử dụng đất chưa tốt, không tự giác thực hiện trách nhiệm, cố tình chậm trễ trong thực hiện đăng ký, kê khai đất đai theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, chính quyền một số xã, phường, thị trấn, quận, huyện chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chưa kiên quyết xử phạt hành chính đối với những trường hợp cá nhân, hộ gia đình đã được thông báo nhiều lần nhưng không thực hiện trách nhiệm đăng ký, kê khai đất đai theo quy định. Công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn của Thành phố với chính quyền quận, huyện, thị xã trong quản lý, kê khai, xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền trên đất chưa thật tốt.
Kết quả giao đất dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu
Về tình hình, kết quả thực hiện công tác giao đất ở, đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, ngay sau khi hợp nhất địa giới hành chính Thủ đô, xác định công tác giao đất dịch vụ là một nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất nông nghiệp.
Trong đó xây dựng cơ sở hạ tầng đất dịch vụ là nội dung vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định cuộc sống, an sinh xã hội cho người dân khi thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án; Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, giải quyết được cơ bản những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất dịch vụ cho người dân, UBND Thành phố đã chỉ đạo sát sao các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp giải quyết các khó khăn cản trở công tác bàn giao đất dịch vụ; giao các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật; tổ chức lập, phê duyệt phương án và tổ chức giao đất ở, đất dịch vụ cho các hộ dân; phân cấp cho UBND cấp huyện trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu đất.
Đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc bố trí và giới thiệu vị trí đất theo quy hoạch cho nhu cầu đất ở, đất dịch vụ trên địa bàn; đáp ứng đủ quỹ đất quy hoạch theo yêu cầu của UBND các quận, huyện, thị xã; bố trí vốn thực hiện công tác bồi thường, GPMB và xây dựng hạ tầng đất dịch vụ theo kế hoạch.
Trong ba năm từ 2015-2017, công tác bàn giao đất dịch vụ trên địa bàn một số quận huyện đã đạt được một số kết quả tích cực: Tính đến hết ngày 31/12/2017, toàn Thành phố đã tổ chức xét duyệt và giao đất dịch vụ đạt 57,85% (38.194/66.028 hộ) với diện tích đất đạt 44,51% (327,34/735,524 ha).
Một số quận, huyện đã thực hiện việc giao đất dịch vụ đạt trên 80% (về số hộ) như: Sóc Sơn, Đan Phượng, Hoàng Mai, Thường Tín, Phúc Thọ. Tuy nhiên một số quận huyện đạt tỷ lệ rất thấp dưới 50% như: Ứng Hòa, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thạch Thất, Chương Mỹ. Đáng lưu ý, còn một số quận, huyện còn nhiều vướng mắc như: Hoài Đức, Mê Linh, quận Hà Đông.
Công tác giao đất dịch vụ đã được Thành phố chỉ đạo quyết liệt từ ngay sau khi mở rộng địa giới hành chính, nhưng đến nay kết quả vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu đất ở, đất dịch vụ tiến độ còn rất chậm. Nhiều khu đất đã xong hạ tầng kỹ thuật, đủ điều kiện giao đất dịch vụ nhưng UBND các quận, huyện, thị xã chưa giao cho các hộ gia đình, cá nhân (như huyện Mê Linh, quận Hà Đông...); một số địa phương có chủ trương giao đất dịch vụ từ trước khi Chính phủ ban hành Nghị định dẫn đến phát sinh một số tồn tại, kiến nghị phức tạp.
Nguyên nhân chủ yếu do sau khi rà soát lại theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và quy hoạch phân khu, nhiều khu đất không còn phù hợp với quy hoạch (do đã triển khai trước khi có Quy hoạch chung Thủ đô và Quy hoạch phân khu); Chính sách và đối tượng giao đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tây (trước đây), tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội thực hiện khác nhau, trải qua nhiều thay đổi trong thời gian ngắn nên gây khó khăn trong quá trình xét duyệt đối tượng, tổ chức triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, một số địa phương có chủ trương giao đất dịch vụ từ trước khi Chính phủ ban hành Nghị định dẫn đến phát sinh một số tồn tại, kiến nghị phức tạp; Nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách chưa kịp thời, một số địa phương chưa chủ động, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư cho nhiệm vụ giao đất dịch vụ; Công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng một số đơn vị không đảm bảo tiến độ (như Bắc Từ Liêm); Chưa huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội để thực hiện vận động, tuyên truyền đối với người dân bị thu hồi đất hiểu, đồng thuận với chính sách chung về đất dịch vụ.