Ông Chu An Trường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Giám đốc Ban Quản lý dự án VILG cấp Trung ương cho biết, về hợp phần tăng cường chất lượng cung cấp dịch vụ đất đai, Dự án đã hoàn thành việc xây dựng Sổ tay hướng dẫn dịch vụ công về đất đai và đã xin ý kiến của các đơn vị trực thuộc Tổng cục và 30 tỉnh, thành phố thuộc Dự án. Đồng thời, Tổng cục tiến hành thử nghiệm tại tỉnh Thái Nguyên và Bến Tre… Dự kiến quý II, sẽ tiến hành đào tạo, hướng dẫn cho các tỉnh thực hiện Dự án về sổ tay này.
Về hợp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDL) và vận hành trên hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện). Đến nay, các địa phương đã ký hợp đồng dịch vụ kỹ thuật thi công xây dựng CSDL là 198/250 huyện (đạt 79%); 52/250 huyện chưa ký hợp đồng, Ban Quản lý đã họp với WB và các tỉnh yêu cầu các tỉnh phải phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trước 15/4/2022.
Ngoài ra, về triển khai phần mềm quản lý đất đai VBDLIS và vận hành, khai thác CSDL, Ban Quản lý cấp Trung ương đã tập huấn cho 250 huyện thuộc 30 tỉnh, thành phố theo hình thức trực tuyến và trực tiếp. Hỗ trợ đồng bộ tích hợp và hướng dẫn trực tiếp vận hành CSDL thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh Văn phòng của 19/30 tỉnh thành phố trên hệ thống phần mềm VBLIS.
Đến nay, đã vận hành CSDL đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của 21/30 tỉnh, thành phố (tương ứng 121 huyện trên phần mềm VBDLIS).
Cũng theo ông Chu An Trường, năm 2022, trong thời gian gia hạn Dự án, Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương sẽ tập trung vào theo dõi, hướng dẫn, giám sát việc kiểm tra nội dung của các tỉnh đang triển khai. Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh của Dự án được Bộ TN&MT phê duyệt, các địa phương sẽ hoàn thành CSDL của 230/250 huyện của 30 tỉnh vào tháng 12/2022, 20 huyện còn lại sẽ hoàn thành trong quý I, II năm 2023 và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng và tích hợp lên CSDL đất đai Trung ương; hoàn thành kết nối liên thông thuế điện tử tại 13 tỉnh còn lại thuộc Dự án…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ Dự án. Nhiều đại biểu cho rằng, cho rằng Dự án sẽ khó thành công nếu việc thực hiện ở các địa phương còn chậm trễ, do đó, Ban Quản lý dự án cấp Trung ương cần bám sát, đôn đốc các địa phương trong việc triển khai các hợp phần để đảm bảo tiến độ.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao nỗ lực triển khai Dự của Tổng cục Quản lý đất đai và Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương. Thứ trưởng cho rằng, Dự án VILG đóng vai trò quan trọng khi góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, là 1 trong các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia. Vì vậy, Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý đất đai, Ban Quản lý Dự án cấp Trung ương đẩy mạnh việc đôn đốc, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Dự án, nhất là các địa phương chậm tiến độ.
Đồng thời, tổ chức một số đoàn kiểm tra các địa phương chậm tiến độ để nắm bắt kịp thời các vướng mắc để tìm ra giải pháp giải quyết để đẩy nhanh tiến độ. Trên cơ sở kiểm tra, kịp thời tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ ban hành Văn bản đôn đốc, hướng dẫn địa phương…
Thứ trưởng cũng đề nghị, Tổng cục Quản lý đất đai cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật, đồng bộ phần mềm (tiêu chí) về xây dựng CSDL để cập nhật và Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, trong đó, cần quy định rõ việc cập nhật quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cập nhật biến động vào hệ thống CSDL đất đai quốc gia; trách nhiệm của Trung ương và địa phương; vận hành, khai thác, quản lý CSDL…
Dự án VILG là Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của WB, được thực hiện trong thời gian từ tháng 3/2017, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu suất và tính minh bạch của dịch vụ quản lý đất đai tại các tỉnh dự án thông qua việc phát triển và thực hiện Hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu quốc gia.
Theo đó, Dự án sẽ xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu trên cơ sở kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phầm mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (gồm dữ liệu địa chính, dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, dữ liệu giá đất, dữ liệu thống kê, kiểm kê đất đai) phục vụ công tác quản lý đất đai, cung cấp dịch vụ công về đất đai và chia sẻ thông tin đất đai với các ngành có liên quan như thuế, công chứng, ngân hàng…