PV: Ông đánh giá thế nào về tình hình cấp Giấy chứng nhận trong thời gian qua?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Giấy chứng nhận (GCN) là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất hợp pháp và các tài sản liên quan của người có quyền; Là căn cước thông hành cho hoạt động liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất; Góp phần minh bạch hóa thị trường bất động sản; Tăng hiệu quả quản lý của cơ quan chức năng; Tạo nguồn lực to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với vai trò hết sức quan trọng của GCN như đã nêu ở trên, thời gian qua, Quốc hội, Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có nhiều giải pháp quyết liệt, kịp thời để đẩy mạnh công tác cấp GCN.
|
Ông Phạm Ngô Hiếu, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai).
|
Để tăng cường công tác cấp GCN, việc hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý có vai trò mang tính quyết định. Vì vậy, Quốc hội đã ban hành Luật Đất đai năm 2013, trong đó có nhiều điểm đổi mới, tạo thuận lợi trong việc cấp GCN. Bộ TN&MT đã tham mưu Chính phủ ban hành hoặc phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề trên.
Pháp luật đất đai 2013 đã quy định bổ sung nhiều loại giấy tờ về quyền sử dụng đất, quy định cụ thể các trường hợp được cấp GCN (có giấy tờ, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất); thủ tục cấp GCN đơn giản, thuận tiện, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng đất. Bên cạnh đó, Bộ TN&MT đã tăng cường thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn nhằm kịp thời phát hiện các vi phạm cũng như tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các địa phương trong công tác cấp GCN.
Các địa phương cũng đã có nhiều giải pháp trong việc thực thi nhằm đẩy mạnh việc cấp GCN như việc đầu tư kinh phí, đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức nhằm giải quyết thông suốt, nhanh chóng thủ tục hành chính,...
Bằng nỗ lực của các cơ quan từ Trung ương đến địa phương, kết quả cấp GCN lần đầu từ khi thực hiện Luật Đất đai năm 2013 mới đạt tỷ lệ khoảng 80% thì đến nay đã cơ bản hoàn thành công tác này với tỷ lệ đã cấp GCN đạt trên 97% diện tích cần cấp.
PV: Hiện nay, ở nhiều địa phương có một vấn đề nổi lên là vướng mắc trong công tác cấp GCN tại các dự án nhà ở, theo ông, đâu là nguyên nhân của việc này?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Thời gian vừa qua tồn tại thực trạng tại một số các dự án phát triển nhà ở, người dân đã nhận bàn giao nhà ở, đã định cư ổn định nhiều năm nhưng còn vướng mắc chưa được cấp GCN làm ảnh hưởng đến quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, gây bức xúc trong dư luận nhân dân.
Thực trạng trên xuất phát từ 3 nguyên nhân chính: Thứ nhất, từ phía chủ đầu tư, đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến vướng mắc nêu trên do: Dự án vi phạm về đầu tư xây dựng như xây dựng không đúng giấy phép (không đúng vị trí, không đúng công năng, tự ý cơi nới số tầng, chia nhỏ căn hộ, xây dựng không đúng diện tích sử dụng đất đã được phê duyệt theo quy hoạch…), xây dựng không đúng quy hoạch; Chủ đầu tư đã thực hiện việc thế chấp quyền sử dụng đất, nhà ở hình thành trong tương lai hoặc nhà ở hiện hữu nhưng khi thực hiện việc chuyển nhượng không thực hiện rút bớt tài sản đã thế chấp; Vi phạm chậm nộp hồ sơ cấp GCN cho người mua nhà; Chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định.
|
Công tác cấp Giấy chứng nhận đã có những chuyển biến tích cực.
|
Thứ hai, nguyên nhân từ việc quản lý của chính quyền cơ sở, do chưa kịp thời phát hiện và xử lý dứt điểm những phát sinh trong quá trình triển khai các dự án phát triển nhà ở, cụ thể: Không kịp thời phát hiện và xử lý triệt để đối với các dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, tài chính, xây dựng cũng như trách nhiệm của chủ đầu tư đối với người mua nhà; Không kịp thời phát hiện và tuyên truyền cho người mua nhà đối với các chủ đầu tư chưa thực hiện giải chấp đối với tài sản đang thế chấp tại các tổ chức tín dụng nhưng vẫn rao bán công khai; Chậm giải quyết và kết luận đối với các dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra.
Thứ ba, nguyên nhân từ chính bản thân người dân khi đi mua nhà trong các dự án phát triển nhà ở chưa tìm hiểu rõ quy định của pháp luật về điều kiện, thủ tục của việc mua bán, chuyển nhượng, cũng như chưa tìm hiểu rõ thông tin về dự án như nguồn gốc tính pháp lý cũng như tình trạng của dự án.
PV: Vậy, Cục đã có những giải pháp và kiến nghị gì tới cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tình trạng này?
Ông Phạm Ngô Hiếu:
Để giải quyết các tồn tại đã nêu, Cục Đăng ký đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai đã chủ động tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, như: Đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, theo đó sửa đổi, bổ sung Điều 72 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để tách bạch rõ trách nhiệm của cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan xây dựng trong thực hiện thủ tục nhằm minh bạch trách nhiệm, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đăng ký, cấp GCN cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng trong các dự án phát triển nhà ở.
Tham mưu Bộ TN&MT đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát để thống nhất việc tính tiền sử dụng đất, khấu trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính; hướng dẫn các địa phương xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư theo quy định, buộc chủ đầu tư phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua nhà, nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp GCN theo quy định.
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật có liên quan; Chỉ đạo địa phương đăng công khai thông tin dự án trên website để người dân nắm bắt, tìm hiểu. Nắm bắt tình hình cấp GCN để có hướng dẫn kịp thời phối hợp, đôn đốc, thanh, kiểm tra, hướng dẫn địa phương thực hiện cấp GCN theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua, chủ đầu tư.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!