Xử lý tổng số 1.610 hồ sơ
Quán triệt theo phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, ngay từ đầu năm, Bộ TN&MT đặt quyết tâm cao trong CCHC, giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn, tháo gỡ rào cản để đưa nguồn lực tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ TN&MT đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp theo hướng chú trọng thực chất, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí; tăng cường hướng về địa phương, cơ sở, đặt trọng tâm vào công tác rà soát và tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến người dân và doanh nghiệp và TTHC nội bộ theo hướng công khai, minh bạch, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân; kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả quy trình giải quyết.
Nhờ vậy, quý I/2019, Bộ đã thực hiện xử lý tổng số 1.610 hồ sơ, ít hơn 30% số hồ sơ nhận được so với cùng kỳ năm 2018 (gồm 1.246 hồ sơ chuyển tiếp năm 2018 và 364 hồ sơ nộp mới năm 2019). Thực hiện xử lý và trả kết quả cấp phép cho 456 hồ sơ, đạt 28,3%, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2018 (gồm 378 hồ sơ năm 2018 và 78 hồ sơ năm 2019). Trong đó, có 338 hồ sơ trả kết quả đúng hạn (chiếm 74,1%); 118 hồ sơ trả quá hạn (chiếm 25,9%). Cùng với đó, Bộ đang xử lý 1.154 hồ sơ gồm 868 hồ sơ chuyển tiếp và 286 hồ sơ nộp mới năm 2019.
Trong năm 2018, 100% văn bản của Bộ TN&MT được số hóa và cập nhật vào Hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho 99 TTHC, trong đó, có 68 Dịch vụ công mức độ 3, 15 Dịch vụ công mức độ 4 (có 11 TTHC kết nối với Cổng Thông tin Một cửa quốc gia), vượt mức kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 63 TTHC. Là cơ quan đầu tiên thuộc Chính phủ triển khai thực hiện liên thông TTHC, Bộ đã thực hiện triển khai thí điểm liên thông 11 TTHC thuộc 3 lĩnh vực, giúp doanh nghiệp cắt giảm 2/3 thời gian và tiết kiệm trên 60% chi phí thực hiện TTHC.
Cung cấp Dịch vụ công trực tuyến 99 TTHC
Với đặc thù của Bộ TN&MT cũng như toàn ngành TN&MT được Nhà nước giao quản lý nhiều lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm là đất đai; tài nguyên nước; địa chất khoáng sản; môi trường; khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp thống nhất về biển và hải đảo. Khối lượng thông tin, dữ liệu của ngành quản lý rất lớn, đa dạng và phức tạp. Đa số các lĩnh vực quản lý của ngành đều liên quan trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp.
Bộ xác định xây dựng, vận hành Chính phủ điện tử dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và truyền thông vừa là mục tiêu, vừa là phương tiện đáp ứng thách thức và nhu cầu phát triển của ngành TN&MT. Nhờ đó, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của ngành TN&MT từng bước đi vào hoạt động bài bản, có lộ trình định hướng phát triển thống nhất trong toàn ngành.
Dấu ấn 3 tháng đầu năm 2019 là minh chứng rõ nét cho công tác ứng dụng CNTT của Bộ TN&MT. Đến nay, Bộ đã hoàn thành và đưa vào triển khai cung cấp Dịch vụ công trực tuyến cho 99 TTHC (tăng 17 dịch vụ công so với cùng kỳ năm 2018). Trong đó, có 72 dịch vụ công mức độ 3, 27 dịch vụ công mức độ 4; tiếp tục triển khai 11 TTHC dưới hình thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và kết nối với Cổng Thông tin Một cửa quốc gia.
Cùng với đó, Bộ đã hoàn thành xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành TN&MT phiên bản 2.0, đang chờ cập nhật các thay đổi của Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam 2.0 trước khi trình Bộ trưởng ban hành. Xây dựng Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Nghị quyết 17/NQ-CP ngày 7/3/2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025; sửa đổi Quy chế đánh giá xếp hạng mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index) ngành TN&MT, tiến hành đánh giá đối với các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở TN&MT năm 2019.
Quán triệt việc triển khai, vận hành việc quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số hoàn toàn trên môi trường mạng của các đơn vị thuộc Bộ, trong quý I (tính đến ngày 8/4/2019), đã có 6.244/13.944 văn bản điện tử gắn với chữ ký số, đạt 44,8%.
Với những kết quả đã đạt được, cùng với việc các quyết sách mạnh mẽ, chúng ta hoàn toàn tin tưởng, thời gian tới, công tác CCHC trong ngành TN&MT sẽ tiếp tục đạt được những thành công mới, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.
Năm 2018, Bộ đã trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 136/2018/NĐ-CP ngày 5/10/2018 sửa đổi một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực TN&MT (Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký). Theo đó, Nghị định đã bãi bỏ, sửa đổi 102/163 điều kiện (chiếm 62,6%, vượt 12,6%) tập trung chủ yếu ở 6 lĩnh vực: Đất đai, môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn; đo đạc và bản đồ; trong đó, bãi bỏ 77 điều kiện; sửa đổi 25 điều kiện; đồng thời, Nghị định cũng bãi bỏ, đơn giản hóa 9 TTHC có liên quan. Với việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh nêu trên, ước tính trung bình, hàng năm, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 2.755 nghìn giờ công lao động và khoảng 37.095 triệu đồng/năm.
Phương Anh