Tính đến tháng 9/2017, có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành công tác rà soát, cắm mốc; 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành về đo đạc lập bản đồ địa chính. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp cho các đối tượngđược giao đất, cho thuê đất. 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát.
Hiện, các địa phương đã rà soát được trên 32 ngàn km2 đạt 77,5%; cắm mốc được hơn 54 ngàn mốc, đạt 88% khối lượng nhu cầu. Bên cạnh đó, đã đo đạc, lập bản đồ địa chính trên 1,3 triệu ha đạt 99,51% khối lượng; cấp giấy chứng nhận đạt 16,9% khối lượng nhu cầu. Ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho các địa phương là gần 600 tỷ đồng. Ngân sách địa phương đã bố trí hơn 46 tỷ đồng.
Các địa phương đã cơ bản hoàn thành sắp xếp lại tổ chức, chuyển đổi các công ty nông, lâm trường và làm cơ sở để xử lý các tồn tại, vướng mắc. Các nông, lâm trường cũng đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, phương án sử dụng đất.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kết quả sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường theo Nghị quyết số 28 của Bộ Chính trị thực hiện chậm, hiệu quả thấp. Đa số các địa phương mới xây dựng được phương án sử dụng đất, chỉ có 12/45 tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Các địa phương đều chưa phê duyệt phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương.
Sau 10 năm thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận, xây dựng hồ sơ và cơ sở dữ liệu địa chính theo Nghị quyết 07/2007 của Quốc hội, cả nước đã đo đạc được 25 triệu ha, đạt 76,9%. Có 13 tỉnh đã hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính. Trên 7.200 xã đã đo đạc bản đồ địa chính, đạt 85%. Cả nước đã cấp đổi gần 27 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện, trên cả nước có 132/713 đơn vị hành chính cấp huyện của 37 tỉnh, thành đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai. Trong đó, có 15 tỉnh, thành đã tích hợp và liên thông dữ liệu theo mô hình tập trung.
Tuy nhiên, tiến độ đăng ký, cấp giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm. Chất lượng kiểm tra, nghiệm thu của chủ đầu tư và các đơn vị thi công có địa phương kiểm tra chưa đầy đủ, còn mang tính hình thức.
Tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương, các công ty nông, lâm trường, với hơn 10 lượt ý kiến cũng nêu rõ những khó khăn, hạn chế trong quá trình thực hiện Nghị định 118/2014 của Chính phủ; thực hiện đo đạc lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Qua đó, nhiều đại biểu dự hội nghị cũng đề xuất nhiều ý kiến góp phần đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả trong thực hiện.
Phát biểu kết luận hội nghị, bà Nguyễn Thị Phương Hoa - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh: Hội nghị lần này đã tập trung đánh giá những kết quả, hạn chế chưa làm được và nêu rõ nguyên nhân; nêu rõ trách nhiệm sự phối kết hợp của các ngành, địa phương cơ quan đơn vị với thi công; đề xuất các giải pháp, kiến nghị để thời gian tới thực hiện tốt các mục tiêu của dự án; kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội để thực hiện có hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cũng nêu rõ việc thực hiện các dự án đã có sự nỗ lực cuả các cấp, ngành, địa phương những kết quả đạt được mới ở mức độ nhất định. Sau khi giải đáp một số kiến nghị của các đại biểu, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong thực hiện các Dự án đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.