Ngày 21/1, tại trụ sở Khu liên cơ quan Bộ Tài nguyên và Môi trường tại TP.HCM, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Đặng Quốc Khánh và Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã gặp mặt Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT khu vực miền Trung và miền Nam.
Tham dự buổi gặp mặt có GS.TS Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu BĐKH, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM; GS.TS Nguyễn Phước Dân, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Khoa học Trái đất và Môi trường ĐHQG-HCM; GS. TS Phan Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM; PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT TP.HCM; PGS. TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội thiên nhiên và bảo vệ môi trường Việt Nam; PGS. TS Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM; PGS.TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên- Đại học Quốc gia TP.HCM...
Tham dự buổi gặp mặt còn có hơn 80 công chức, viên chức, chuyên gia, nhà khoa học có học hàm Tiến sĩ thuộc các đơn vị của Bộ TN&MT tại các tỉnh phía Nam.
Tại buổi gặp mặt, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đang công tác trong và ngoài Bộ TN&MT đã gửi lời cảm ơn tới cá nhân Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh và lãnh đạo Bộ TN&MT đã tổ chức buổi gặp mặt thân tình, mang lại niềm động viên lớn, sự quan tâm kịp thời đối với các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đồng thời, các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đã có nhiều ý kiến đóng góp quan trọng, thiết thực đối với các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TN&MT.
Theo GS.TS Phan Đình Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ TN&MT đang lĩnh một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cơ quan thường trực trong thực thi triển khai nhiệm vụ giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ. Đồng thời, chiến lược phát triển của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới là hết sức nặng nề và liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều lĩnh vực, vì vậy, GS.TS Phan Đình Tuấn khẳng định các nhà khoa học nhận thấy cần có trách nhiệm phải đóng góp nhiều hơn vào thực hiện các nhiệm vụ nặng nề của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới. Cụ thể, các nhà khoa học cần tạo ra các công trình nghiên cứu, các sản phẩm có giá trị, giải quyết trực tiếp các nhiệm vụ của Bộ; phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm, hiến kế cho Bộ hoàn thiện các chính sách ngày càng hoàn thiện hơn, đi vào cuộc sống phục vụ quá trình phát triển bền vững của xã hội.
GS.TS Nguyễn Kim Lợi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM đã kiến nghị các giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành tài nguyên và môi trường nhằm đáp ứng được các nhiệm vụ ngày càng nặng nề và mang tính thời đại của ngành. Theo đó, các đơn vị đào tạo của Bộ cần đổi mới mô hình thức đào tạo truyền thống, cần có giải pháp căn cơ, mang tính liên Bộ để nâng cao chất lượng tuyển sinh và chất lượng đào tạo.
Cũng tại buổi gặp mặt, GS.TS Nguyễn Phước Dân, Chủ tịch Hội đồng liên ngành Khoa học Trái đất và Môi trường ĐHQG-HCM; PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Phó Chủ tịch Hội BVTN và MTVN; PGS.TS Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học TN&MT Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS Phạm Trung Hiếu, Trưởng khoa Địa chất – Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM; PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Viện trưởng, Viện Phát triển năng lực lãnh đạo ĐHQG-HCM... đã chia sẻ, góp ý với lãnh đạo Bộ TN&MT nhiều vấn đề như: giải pháp xây dựng chính sách pháp luật về địa chất, khoáng sản, giảm ô nhiễm không khí, quản lý rác thải sinh hoạt...
Sau khi lắng nghe những ý kiến của các nhà khoa học, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh trân trọng cảm ơn, tri ân những ý kiến rất tâm huyết, thiết thực của các nhà khoa học tại buổi gặp mặt cũng như những đóng góp to lớn cho ngành tài nguyên và môi trường trong suốt thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Bộ TN&MT luôn nhận được sự tham mưu, đồng hành của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế chính sách, quản lý nhà nước trên tất cả lĩnh vực. Có thể khẳng định, đội ngũ các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của ngành tài nguyên và môi trường.
Tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đã dành thời gian chia sẻ những nhiệm vụ quan trọng của ngành TN&MT. Trong đó, Bộ TN&MT với nhiệm vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao. Qua ghi nhận, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và người dân rất vui mừng, phấn khởi bởi Luật đã giải quyết cơ bản những vấn đề tồn tại trong lĩnh vực đất đai thời gian qua, khơi thông nguồn lực đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) do Bộ TN&MT chủ trì soạn thảo cũng đã được Quốc hội thông qua. Trong đó, Luật đã quy định việc huy động, ưu tiên nguồn lực nhằm khôi phục các dòng sông chết, dòng sông ô nhiễm; tổ chức quản lý lưu vực sông bằng việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương... Bên cạnh đó, một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được Bộ TN&MT triển khai thời gian qua là việc xây dựng Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, nhiệm vụ trong năm 2024 đối với ngành tài nguyên và môi trường rất nặng nề. Trong đó, Bộ TN&MT phải chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành 5 Nghị định, sau đó là xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai (sửa đổi); tập trung hoàn thiện Dự thảo Luật Đại chất Khoáng sản để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tháng 5/2024; tập trung quá trình sửa đổi Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Chính phủ...và các nhiệm vụ nặng nề khác thuộc 9 lĩnh vực quản lý của Bộ TN&MT.
Vì vậy, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đề nghị tiếp tục nhận được sự tham gia đóng góp của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học, đội ngũ trí thức tham gia xây dựng thể chế chính sách lĩnh vực tài nguyên và môi trường cũng như quá trình tổ chức, triển khai, đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống.
Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, các cơ quan quản lý của Bộ, cần tăng cường đào tạo, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, nhà khoa học để đóng góp nhiều hơn nữa những kiến thức, tri thức của mình, tham mưu chất lượng cao cho các cấp quản lý, lãnh đạo bộ trong việc hoạch định chiến lược phát triển ngành, xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn.
Về các nhà khoa học, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh mong muốn đội ngũ nhà khoa học của Bộ cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu đề xuất các đề tài, đề xuất, sáng kiến trong các lĩnh vực quản lý của ngành. Đồng thời, với nhiều hình thức khác nhau, Bộ TN&MT sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học nhằm xây dựng ngành tài nguyên và môi trường ngày càng lớn mạnh, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các Tiến sĩ của Bộ Tài nguyên và Môi trường (khu vực miền Trung và miền Nam).