Vài suy nghĩ về quản lý khoa học công nghệ tại Công ty |
Nguyễn Văn Chính
Phó Giám đốc Công ty
Bên cạnh hoạt động chỉ đạo thực hiện các phương án kỹ thuật ngày một chất lượng, ở các đơn vị trực thuộc hoạt động về khoa học công nghệ cũng diễn ra không kém phần sôi động. Xuất phát ngay từ đòi hỏi của thực tế sản xuất - kỹ thuật và tác động của thị trường, qua hội nghị tổng kết công tác quản lý kỹ thuật công nghệ - chất lượng sản phẩm vừa qua tại Đồng Hới - Quảng Bình (30/8/2005) càng cho thấy điều đó. Và chính vì vậy việc quản lý khoa học – công nghệ đã đến lúc cần được quan tâm thực sự
Khoa học – công nghệ ngày nay đang trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nó quyết định năng suất lao động, chất lượng sản phẩm và dịch vụ, quyết định hiệu quả quản lý xã hội và chất lượng cuộc sống. Vai trò của khoa học – công nghệ như có doanh nhân đã nói: “Ai nắm trong tay công nghệ, nhất là công nghệ cao, người đó có thể chi phối đối tác, có uy thế trong quan hệ ngoại giao, quân sự, kinh tế...".
Quản lý khoa học – công nghệ ở Công ty có thể được coi là toàn bộ công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển, xây dựng chính sách khoa học – công nghệ; xây dựng ban hành các văn bản quản lý về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học – công nghệ, về nhân lực, kinh phí, thông tin, chế độ đãi ngộ cho hoạt động khoa học – công nghệ và nhiều nội dung khác, xuất phát từ yêu cầu của sự phát triển và điều kiện thực tế của Công ty.
Để quản lý tốt khoa học – công nghệ phải hiểu đúng đặc điểm của hoạt động khoa học – công nghệ. Đó là loại hoạt động mang tính SÁNG TẠO. Sản phẩm của nó là cái chưa có, chưa thấy, chưa được biết; trong khi lao động bình thường có tính lập đi lập lại.
Do là lao động sáng tạo, tìm kiếm cái mới, cái chưa biết nên có thể thành công, có thể thất bại mà tỉ lệ thất bại còn chiếm khá cao trong nghiên cứu khoa học.
Lao động khoa học – công nghệ có tính kế thừa, có cái sau là do kế thừa cái trước. Học tập, kế thừa thành quả của bộ môn khác, của người khác là đương nhiên trong hoạt động khoa học – công nghệ. Do vậy người ta nói: “Dũa đá của người thành ngọc của ta là con đường thành công của người biết hoạt động khoa học – công nghệ” và bản thân họ phải có trách nhiệm cao, chú ý học tập rút kinh nghiệm. Biết đặc điểm đó, người làm công tác khoa học – công nghệ thêm tự tin, kiên trì, biết chọn phương pháp để rút ngắn thời gian; người lãnh đạo quản lý thấy ý nghĩa, giá trị của mỗi kết quả hoạt động khoa học – công nghệ, thấy công lao sáng tạo của người làm công tác khoa học – công nghệ.
Quản lý khoa học – công nghệ là tập hợp hệ thống bao gồm: cơ chế quản lý, tổ chức bộ máy quản lý và cuối cùng là con người làm công tác quản lý.
Cơ chế quản lý là tập hợp hệ thống các nguyên tắc, chính sách, chế độ, quy định mối quan hệ trong hoạt động khoa học – công nghệ bao gồm các lĩnh vực nhân sự, lao động, tài chính, vật tư, thiết bị, thông tin….
Hiện nay Nhà nước ta đã có Luật Khoa học – Công nghệ và hàng trăm văn bản dưới Luật thể hiện cơ chế quản lý. Ở Công ty mới có hai văn bản: Quy chế quản lý kỹ thuật và chất lượng sản phẩm (05/2000) và quy chế nghiên cứu, ứng dụng về quản lý công nghệ (08/2003), nội dung còn rất đơn giản. Chúng ta còn thiếu rất nhiều văn bản vận dụng chính sách - chế độ của Nhà nước trong hoạt động khoa học – công nghệ cho doanh nghiệp nên hạn chế tác dụng thúc đẩy - lực kéo của khoa học – công nghệ nói chung và thiếu kích thích cán bộ kỹ thuật nghiên cứu ứng dụng công nghệ.
Tổ chức quản lý khoa học – công nghệ khi đã có cơ chế chính sách, phải có tổ chức để triển khai nhiệm vụ quản lý ở Công ty, đó là Phòng Kỹ thuật Công nghệ (được xác định trong quyết định số 1026 ngày 08/10/2004 của Giám đốc Công ty) và bên cạnh đó có hội đồng tư vấn - Hội đồng Khoa học Kỹ thuật Công ty.
Cán bộ quản lý khoa học – công nghệ là con người cụ thể được giao đảm nhận nhiệm vụ quản lý trong tổ chức quản lý. Ở Công ty chúng ta cả tổ chức và con người quản lý đang rất thiếu và yếu do nhiều nguyên nhân.
Điểm yếu chung của tổ chức và nhân sự quản lý là chưa xác định đúng vị trí, vai trò của công tác quản lý khoa học – công nghệ, chưa hiểu hết và hiểu chính xác nội dung của quản lý khoa học – công nghệ. Cán bộ quản lý chưa được bố trí trong Phòng Kỹ thuật Công nghệ. Yêu cầu với họ, đó là có trình độ kỹ sư, có được bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ quản lý khoa học – công nghệ và kinh nghiệm nhất định trong công tác kỹ thuật ở Công ty.
Công ty đến nay đã có đơn vị làm nhiệm vụ nghiên cứu và dịch vụ khoa học – công nghệ (Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng và Phát triển Công nghệ; Trung tâm Kỹ thuật Môi trường) thì công tác quản lý nghiên cứu, quản lý hoạt động khoa học – công nghệ trở nên bức thiết.
Tôi xin đề xuất mấy việc cần làm để công tác quản lý khoa học – công nghệ có chuyển biến trong thời gian tới:
1. Tiếp tục quán triệt trong lãnh đạo đơn vị, phòng và cán bộ khoa học kỹ thuật ý nghĩa, nội dung của Luật Khoa học công nghệ; vai trò vị trí của quản lý khoa học – công nghệ ở Công ty trong tình hình hiện nay là yêu cầu cho sự phát triển đồng thời là quyền lợi của đông đảo cán bộ kỹ thuật của Công ty.
2. Phòng Kỹ thuật Công nghệ cần chủ động tham mưu, đề xuất với Giám đốc Công ty xây dựng các văn bản quản lý khoa học – công nghệ trên cơ sở các chính sách của Nhà nước và Nghị quyết Đại hội CNVC, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2005 – 2008 đề ra về ứng dụng và phát triển công nghệ; Phối hợp với các Phòng và Văn phòng để chủ động chỉ đạo hướng dẫn thực hiện các văn bản ấy.
3. Coi trọng công tác thông tin khoa học – công nghệ, tổ chức nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và phổ biến các kết quả đạt được để tránh lãng phí; sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ; động viên khuyến khích bằng vật chất (thực chất là tiền công cho tập thể cá nhân nghiên cứu ứng dụng khoa học – công nghệ).
4. Phòng Kỹ thuật Công nghệ cần biên chế người làm quản lý khoa học -công nghệ; được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý.
5. Coi tổng kết kỹ thuật và tổng kết hoạt động khoa học – công nghệ là việc làm hàng năm ở đơn vị và Công ty; dần từng bước đặt ra các giải thưởng riêng cho hoạt động khoa học – công nghệ với đúng vai trò quyết định của nó cho sự phát triển sản xuất công tác và đời sống.
|