Trần Văn Thạch
Văn phòng Đảng Đoàn
Tôi ngồi lặng im, không gian như lắng đọng, không biết mình đang suy nghĩ những gì và cũng chẳng biết phải làm gì. Đứa bé trong tay tôi đã ngủ thiếp đi từ lúc nào, ngắm nhìn khuôn mặt nó mới đẹp làm sao. Nó đâu có tội tình gì, rồi đây cuộc đời của nó sẽ phải rẽ sang một hướng khác mà nó còn quá nhỏ để hiểu và nhận biết điều đó.
Tôi khẽ ngước nhìn di ảnh của cha nó, với vầng trán cao, đôi mắt sáng ngời, khuôn mặt toát lên một vẻ đôn hậu hiếm có ở một người đàn ông. Lâm ơi! Tại sao vậy? Tại sao cuộc đời lại nhiều bất công và ngang trái với mày như vậy hả Lâm?
Ngày hắn cầm quyết định được về làm việc ở xí nghiệp chúng tôi, nhìn bộ dạng hắn mới buồn cười làm sao, áo thì xộc xệch, quần thì ngắn chưa tới cổ chân, nói năng thì câu trước câu sau lúc nào cũng “dạ dạ thưa thưa” như đứa trẻ mới học lớp một, nhưng giọng nói của nó mới thật trầm ấm và rất nhẹ nhàng.
Thế là từ ngày đó hắn được phân công về tổ của tôi, cùng anh em trong tổ rong ruổi trên các công trình ở miền Tây. Hắn siêng năng, nhanh nhẹn và tháo vát nhưng rất ít nói, thỉnh thoảng tỏ ra trầm ngâm tư lự. Những lúc rảnh rỗi chỉ thích ngồi tâm sự với tôi về công việc cũng như cuộc sống về những hoàn cảnh của những gia đình, người dân nơi chúng tôi đang công tác.
Có lần hắn xin nghỉ phép về quê thăm nhà, được một tuần tôi gọi điện cho hắn hỏi thăm sức khoẻ gia đình, thấy hắn trả lời ấp úng, tôi gặng hỏi mãi anh chàng mới nói là về cưới vợ nhưng chưa tiện nói với anh em, cũng mừng cho hắn nhưng có điều lúc đó chúng tôi không thể hiểu là hắn yêu ai và yêu khi nào? Bỗng đùng một cái về quê cưới vợ mà cũng không thông báo cho mọi người. Sau này tôi mới được biết anh chàng đã cưới cô bé gần nhà, hồi nhỏ hai đứa chơi rất thân, cô bé đang dạy cấp 1 ở trường làng. Sau những ngày nghỉ phép đặc biệt, anh chàng quay lại làm việc, ngày gặp lại chúng tôi mặt đỏ bừng, tay thì gãi đầu lia lịa nói năng ấp a ấp úng, nhìn bộ dạng thật ngố.
Với công việc thì không quản khó khăn, luôn cố gắng học hỏi và nâng cao kiến thức, nhiều lúc hắn còn làm cho chúng tôi rất bất ngờ với những sáng kiến cải tiến kỹ thuật khắc phục khó khăn trong công tác đo đạc. Đó là lần chúng tôi đo trong rừng tràm, thửa thì lớn mà tràm thì bít bùng rất khó đo do thiếu ánh sáng và khó xác định hướng, chúng tôi đang phân vân thì ngày hôm sau hắn lấy đâu ra hai cây đèn laze, một cây hắn đưa cho tôi đứng máy còn một cây hắn gắn vào sào gương và chúng tôi đã giải quyết những khó khăn một cách nhanh chóng ngoài sự mong đợi.
Gia cảnh hắn cũng có vui gì cho cam, cha thì hy sinh ở chiến trường Campuchia lúc hắn mới được hai tuổi, chỉ còn mẹ và một người anh trai. Anh trai đã lập gia đình và ở cùng với mẹ nhưng gia đình cũng không khá giả gì. Hắn kể hồi còn đi học hắn phải làm thêm đủ thứ việc từ phụ hồ cho đến rửa chén thuê để kiếm tiền tự nuôi sống và nếu có dành dụm được đồng nào thì gom góp gởi về quê cho anh trang trải cuộc sống ở nhà. Hắn thương mẹ, thương anh nhiều lắm và thường xuyên viết thư về nhà.
Tôi khâm phục và thông cảm cho gia cảnh của hắn, tôi coi hắn như một người em trai của mình, đôi lúc hắn cũng đã dạy tôi nhiều bài học quý giá, có lần tôi chứng kiến hắn hì hục lục trong đống giấy lộn chọn ra những tờ giấy A4 in bị hư để viết thư về cho gia đình và gởi về quê cho mấy đứa cháu đi học. Tôi nói “tại sao không lấy mấy tờ giấy mới” thì hắn chỉ chép miệng nói “mấy tờ giấy này còn dùng được một mặt em lấy dùng cho đỡ phí anh ạ”. Hắn là như vậy đó, có lẽ cuộc sống và nếp sống từ nhỏ đã dạy hắn trở thành một con người như bây giờ.
Năm nay lũ về nhanh quá, nước dâng lên từng giờ. Tôi và Lâm ở nhà đợi Thắng, Toàn và Vũ đi cùng bác Tám chủ nhà giúp dân chuyển đồ lên tuyến dân cư tránh lũ, mãi hai giờ chiều chúng mới về tới nơi. Tôi và Lâm ở nhà đã dọn dẹp cột gọn lại toàn bộ đồ đạc, chúng tôi mỗi người một tay nhanh chóng chuyển đồ xuống ghe, nếu chậm khoảng hai tiếng là chúng tôi sẽ chìm trong biển nước.
Bác Tám cho ghe chạy hết tốc lực, nhiều lúc tôi có cảm tưởng như ghe chỉ nhích lên đôi chút, nước chảy ngược làm chúng tôi gặp khó khăn rất nhiều. Mới hồi chiều hôm qua nước còn mấp mé sàn nhà mà đến chiều nay tôi nhìn xung quanh chỉ toàn một màu phù sa ngầu đỏ, đây đó chỉ còn thấp thoáng nhô lên khỏi mặt nước mấy nóc nhà và đám tràm.
Còn cách chừng 500 mét là đến tuyến dân cư vượt lũ, trời đã có gió và lác đác mưa, nước cũng đã gợn lên những con sóng lớn. Chúng tôi đang phủ những tấm áo mưa che lại đồ đạc, chạy phía trước ghe chúng tôi có một chiếc ghe của một gia đình đi tránh lũ đang hướng về tuyến dân cư thì bỗng tiếng máy im bặt, chiếc ghe quay đầu trôi ngược về phía chúng tôi rất nhanh do chạy xuôi dòng nước. Có lẽ ghe bị hết xăng hay chết máy giữa chừng. Lúc còn ở đằng xa tôi nghĩ rằng chiếc ghe kia sẽ trôi thẳng về phía chúng tôi. nhưng khi đến gần hoá ra ghe của họ còn cách xa mạn ghe bên trái của chúng tôi những 20m. Đó là một gia đình, trên ghe có hai vợ chồng cùng hai đứa nhỏ, người đàn ông trên ghe đang cố gắng cho ghe nổ máy lại nhưng vô vọng. Khi quay lại nhìn thấy chúng tôi, ông ta khua tay rối rít ra dấu cầu cứu.
Mưa đã nặng hạt và gió thổi mạnh, cả nhóm chưa biết xử lý như thế nào thì Lâm nhoài người vớ lấy cuộn dây thừng nhảy ngược xuống dòng nước cố bơi đuổi theo chiếc ghe kia. Bác Tám cũng giảm ga và cho ghe chúng tôi quay đầu đuổi theo. Lúc đầu còn thấp thoáng thấy bóng hắn bơi theo nhưng lúc sau thì chúng tôi không thấy đâu cả. Chúng tôi nháo nhác cố nhìn xem hắn đã bắt kịp chiếc ghe kia chưa. Một lúc sau trong làn mưa xối xả, tôi mới thấy hắn và người đàn ông đang cố buộc sợi dây thừng vào một đầu ghe, ghe chúng tôi còn cách đó gần 100 mét. Rồi bất ngờ hắn lại nhảy xuống nước, chúng tôi chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì thấy hắn đang cố gắng bơi ngang tiến về đám tràm để cột một đầu dây vào đó cố hãm chiếc ghe kia lại và đúng như vậy hắn đã hãm được. Chúng tôi tiến lại gần, trong lòng lo lắng và rất khâm phục hắn, thì nghe thấy tiếng người đàn ông kia hét lên trong làn mưa “tôi không thấy anh ta đâu nữa”. Tôi chết lặng và nhảy vội qua, lần theo đám tràm đến chỗ Lâm cột dây nhưng không thấy hắn đâu cả, linh tính báo có chuyện chẳng lành. Có lẽ sau khi cột được dây hãm chiếc ghe kia lại hắn đã kiệt sức và bị dòng nước lũ cuốn trôi. Hắn đã ra đi như vậy đó.
Lâm ơi! tại sao lại như vậy hả? Mày anh hùng lắm, giỏi lắm nhưng ra đi như thế mày làm mọi người đau buồn cảm phục lẫn lộn, nhưng tao đâu cần điều đó, mọi người đâu cần điều đó, tao chỉ cần có mày và mọi người cũng vậy, mày có hiểu điều đó không?.
Đứa bé đã tỉnh dậy, nó đang mân mê cái cúc áo của tôi và hồn nhiên hỏi “Chú ơi, Cha con sắp về chưa? Tại sao lâu vậy? Tại sao Bà con khóc? Tại sao mẹ con khóc và tại sao chú cũng khóc?” Tôi ôm ghì nó vào lòng và cảm thương vô hạn, nó chưa đủ lớn để biết rằng cha nó đã anh dũng hy sinh thân mình để giành lại cuộc sống cho người khác. Lâm ơi! tao xin được một lần nghiêng mình kính cẩn trước vong linh của mày, cầu chúc cho mày nơi chín suối được bình an thanh thản.
Thời gian vẫn trôi, cuộc sống sau này dù có đổi thay nhưng những gì tốt đẹp sẽ mãi mãi in dấu trong tâm “là cát bụi rồi cũng sẽ trở về với cát bụi” đâu đây còn đọng lại dư âm của vị đắng, vị của cuộc đời mà ai cũng trải qua và phải chấp nhận.
“ xin được kính trân trọng trước những mất mát mà các bậc tiền bối đã hy sinh cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của ngành Đo đạc và Bản đồ…”
|