Trang chủ  |  Đảng  |  Đoàn thể  |  Diễn đàn  |  Liên hệ  |  Weblink  |  English
Bài viết về Công ty
Tin tức
 Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cam kết:
 Đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
 Cung cấp sản phẩm kịp thời và đúng thời hạn ghi trong hợp đồng.
 Bảo đảm duy trì sự an toàn lao động tại Công ty, nhà xưởng các Xí nghiệp và nơi công tác.

Một số ý kiến về phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn

Ks. Đặng Đình Lộc
Chi nhánh Hà Nội   

ấod

Trong những năm qua Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình  đã thực hiện các  luận chứng kinh tế kỹ thuật hoàn thiện lưới độ cao Nhà nước hạng 1, 2, 3 trên phạm vi cả nước. Một công việc rất quan trọng là kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn. Trước đây, khi máy tính chưa được phổ biến rộng rãi, thì kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn thường phải tiến hành bằng các phương tiện “thủ công” như nhẩm tính, bàn tính, máy tính cơ hoặc tiến bộ hơn là máy tính vi mạch do hai người thực hiện độc lập gây tốn kém nhiều sức lực và thời gian. Đặc điểm của các phương tiện “thủ công” này là chỉ cho kết quả là số của các phép tính, còn việc so sánh với các chỉ tiêu kỹ thuật để phát hiện và thông báo lỗi thì người kiểm tra sổ phải tự làm. Đây là loại công việc tính toán, so sánh với rất nhiều tiêu chí kỹ thuật của quy phạm được lặp đi, lặp lại nên dễ gây nhàm chán và nhầm lẫn. Do đó năng suất, chất lượng kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn phụ thuộc vào phương tiện tính toán, trình độ, kinh nghiệm và tinh thần trách nhiệm của người làm công việc kiểm tra nghiệm thu. Việc kiểm tra tài liệu, sổ đo thuỷ chuẩn chỉ có thể tự động hoá, nâng cao năng suất chất lượng nếu được áp dụng công nghệ thông tin, khi mà hiện nay máy tính được trang bị khá đầy đủ cho người sản xuất. Chính vì vậy, hiện nay trong Công ty sử dụng nhiều phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn do các đơn vị trong Công ty tự viết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của mình.

Là người từng tham gia kiểm tra nghiệm thu lưới độ cao Nhà nước hạng 1, 2, 3 do các đơn vị trong Công ty thi công, nên tôi có dịp được sử dụng một số phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn các cấp hạng cả bằng máy quang cơ và máy điện tử. Trong phạm vi bài này tôi xin góp cùng các đồng nghiệp một số ý kiến về công việc kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn (đo bằng máy quang cơ) bằng các phần mềm.

Trước hết về file số liệu. Hiện nay phổ biến có hai kiểu file được trình bày. Kiểu thứ nhất thường thấy có dạng hàng ngang, tức là mỗi trạm đo ghi vào một dòng, đầu tiên là số thứ tự trạm đo, sau đó là các số đọc trên mia cách nhau ít nhất một khoảng trắng. Kiểu file thứ hai có dạng hàng cột như sổ ghi đo thuỷ chuẩn. Theo tôi file số liệu kiểu thứ nhất có ưu điểm là thao tác nhập số liệu nhanh hơn, nhưng nhược điểm là khi cần sửa chữa số liệu thì không thuận tiện, nhất là đối với người không thuộc chuyên môn về đo ghi thuỷ chuẩn. Kiểu file thứ hai trình bày dạng “hàng cột” như sổ ghi đo thuỷ chuẩn, có ưu điểm là thuận tiện hơn trong quá trình sửa chữa số liệu. Tuy nhiên khi nhập số liệu theo dạng hàng cột chậm hơn vì phải thao tác trên bàn phím nhiều hơn. Cách khắc phục nhược điểm và tận dụng ưu điểm của hai kiểu file trên là khi nhập số liệu thì gõ vào bàn phím  theo kiểu hàng ngang mỗi trạm một dòng, sau đó ghi lại (hoặc dùng phần mềm chuyển đổi) thành file số liệu dạng hàng cột. Đây là file số liệu chính thức dùng khi thao tác kiểm tra. Mọi sửa chữa số liệu (nếu nhập sai) đều được thực hiện trên file số liệu này. File số liệu có thể đưa thêm các thông tin về độ phóng đại của ống kính, hằng số mia, loại máy, loại mia (nếu chương trình viết chung cho các loại máy, mia).

Trong phần mềm, cần kiểm soát tất cả các quy định kỹ thuật của quy phạm từ độ phóng đại của ống kính đến các hạn sai. Hiện có một số phần mềm không đề cập đến độ phóng đại của ống kính. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng vì nó liên quan đến chiều dài tối đa cho phép từ máy đến mia. Nếu như sử dụng loại máy có độ phóng đại của ống kính lớn hơn máy bình thường, thì phần mềm sẽ báo lỗi những trạm đáng lẽ  được tăng chiều dài tiêu chuẩn chung cho các loại máy. Nếu cứ tiếp tục thì hoặc là phải xoá các thông báo lỗi, hoặc chỉ đo theo chiều dài tiêu chuẩn, gây lãng phí công năng của máy.

Một số phần mềm đặt hạn sai vào một file riêng trong chương trình hoặc nhập vào file số liệu. Việc này, có thể dễ gây sai sót nếu người sử dụng “đưa nhầm” hạn sai vào chương trình. Người viết phần mềm cần phải quản lý tất cả các hạn sai để tránh những lỗi không nên có. Việc thông báo lỗi nên ghi trực tiếp tại trạm có lỗi ở file kết quả kiểm tra để tiện việc theo dõi, so sánh với hạn sai.

Hiện nay, một số phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn hạng 3 chỉ viết cho một loại máy đo hạng 3 và mia có vạch khắc 1cm. Trong thời điểm hiện tại, việc đo thuỷ chuẩn hạng 1, 2 đã giảm mà một số đơn vị còn nhiều máy đo thuỷ chuẩn hạng 1, 2 có thể tận dụng để đo thuỷ chuẩn hạng 3 ở những khu vực địa hình tương đối bằng phẳng. Vì thế nếu đơn vị nào có máy đo thuỷ chuẩn hạng 1, 2 nên đưa vào khai thác và viết phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn hạng 3 cho các máy này. Việc viết phần mềm kiểm tra sổ đo cho các máy này có thể tận dụng phần mềm kiểm tra đo thuỷ chuẩn hạng 3 cũ, sau đó chỉnh sửa cho phù hợp mà không mất thêm nhiều công sức viết phần mềm mới.

Một chú ý đặc biệt đối với máy đo thuỷ chuẩn có cải chính chiều dài từ máy đến mia (như máy WildN3). Các phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn hiện có đối với loại máy này đều chưa báo lỗi đúng chiều dài thực từ máy đến mia so với chiều dài tiêu chuẩn (hoặc chiều dài được tăng thêm khi độ phóng đại của ống kính lớn hơn độ phóng đại quy định). Điều này còn ít được các tác giả viết phần mềm chú ý đến. Do đó cần phải lưu tâm đến độ chính xác của số cải chính chiều dài trong từng trạm đo và của cả đoạn đo. Tác giả bài viết này đã từng thấy sự khác nhau khá lớn (đến vài trăm mét) số cải chính chiều dài của một đoạn đo giữa  hai phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn của loại máy WildN3 này.

Khi vận hành chương trình một số phần mềm, yêu cầu người sử dụng phải trả lời nhiều câu hỏi như cấp hạng đo, hằng số mia sau, hằng số mia trước..v.v. Điều này dễ gây ngộ nhận là chương trình khó sử dụng, nhất là khi người sử dụng không phải là người có chuyên sâu về đo thuỷ chuẩn. Theo ý kiến của đa số người sử dụng thì chương trình chỉ cần hỏi tên file số liệu, người sử dụng gõ vào tên file số liệu, còn tên file kết quả chương trình tự động gán bằng tên file số liệu và đổi phần mở rộng là thuận tiện hơn cả.

Tóm lại là phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn dù viết bằng ngôn ngữ nào thì cũng nên gọn, nhẹ, dễ cài đặt và sử dụng thuận tiện. Người sử dụng không cần chuyên môn sâu về đo đạc, mà chỉ cần trình độ sơ cấp về tin học cũng sử dụng được. (Điều này các đơn vị trong công ty có thể huy động một số lao động không có chuyên môn về đo đạc bản đồ cũng có thể tham gia phục vụ kiểm tra nghiệm thu được). Ngoài ra chương trình cũng phải đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phần mềm kiểm tra sổ thuỷ chuẩn là tổng hợp kết quả chiều dài, chênh cao, kiểm soát và thông báo được trạm kiểm tra cùng đầy đủ các lỗi đo thuỷ chuẩn như quy định của quy phạm.

Trên đây là một số ý kiến nhỏ về phần mềm kiểm tra sổ đo thuỷ chuẩn bằng máy quang cơ. Rất mong được các bạn đồng nghiệp cùng tham gia góp ý để công tác kiểm tra nghiệm thu lưới độ cao nói riêng và công tác kiểm tra nghiệm thu nói chung ngày càng có nhiều phần mềm hoàn thiện hơn.

Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình
Số 30, đường số 3, khu phố 4, phường Bình An, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.3741 5222, 08.38995111       Fax:    08.38990538
Copyright © 2006 CESC Software Group. All rights reserved