Trang chủ  |  Đảng  |  Đoàn thể  |  Diễn đàn  |  Liên hệ  |  Weblink  |  English
Bài viết về Công ty
Tin tức
 Thông qua việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2000, tập thể cán bộ, công nhân viên Công ty cam kết:
 Đảm bảo chất lượng sản phẩm luôn thỏa mãn yêu cầu của khách hàng.
 Cung cấp sản phẩm kịp thời và đúng thời hạn ghi trong hợp đồng.
 Bảo đảm duy trì sự an toàn lao động tại Công ty, nhà xưởng các Xí nghiệp và nơi công tác.

Kỷ niệm một lần lên đỉnh núi Dong Ngai

Phạm Văn Hoàng                       
Xí nghiệp Trắc địa Bản đồ 301

Ngày ấy tôi làm trong tổ đo tọa độ bằng máy đo vệ tinh. Lúc đó Xí nghiệp giao cho chúng tôi đo các điểm toạ độ trên khu vực tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế. Tôi còn nhớ rõ một làng quê dân tộc Vân Kiều sống trên địa bàn xã Hồng Kim ở cách phía Tây huyện A Lưới gần hai mươi kilômét thuộc tỉnh Thừa Thiên - Huế. Người dân nơi đây tuy còn khó khăn nhưng họ sống rất chân tình và cởi mở. Họ đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

ấod

… Hôm đó, sau khi nhận nhiệm vụ, tôi cùng một đồng chí trong tổ đã hành quân về xã Hồng Kim để leo lên đỉnh núi Dong Ngai cao 1.774m. Đây là một đỉnh núi cao nhất vùng A Lưới. Đứng tận ngoài thị trấn A Lưới vẫn nhìn thấy rõ đỉnh Dong Ngai quanh năm mây mù bao phủ. Dân địa phương nơi đây gọi đó là núi chóp nón vì nó cao và nhọn hoắt. Sau khi nghiên cứu bản đồ và nghe ngóng tình hình, hai chúng tôi quyết định vào liên hệ chính quyền xã để xin người dẫn đường. Ngọn núi chúng tôi lên như người dân địa phương nơi đây từng cho là nơi rừng thiêng nước độc. Hơn nữa chúng tôi còn nghe dân làng ở nơi đây nói lại là vào năm 1980 cũng có mấy người leo lên đó để đo rồi một anh bị sốt rét chết ngay trên đỉnh núi đó. Nghe họ kể mà chúng tôi ớn lạnh cả người. Anh cán bộ xã dẫn chúng tôi vào nhà một người dân trong bản, đó là anh Nhiên, người mà trước đây đã từng đưa đoàn đo đạc trước lên núi Dong Ngai. Sau một hồi trao đổi công việc và mong được anh giúp đỡ, anh cho biết anh chỉ lên đó có một lần, không biết bây giờ anh có nhớ đường đi không. Theo anh cán bộ xã thì người dân nơi đây chẳng ai đi sâu vào trong ấy bao giờ. Sau một thoáng trầm tư, anh Nhiên đã đồng ý dẫn đường cho chúng tôi. Chúng tôi hẹn anh ba ngày nữa sẽ cùng nhau lên đường. Trước khi chia tay anh dặn chúng tôi về mua sẵn một con gà trống, một bó hương, một ít muối, một ít gạo và một chai rượu để đến khi đi sâu vào rừng sẽ cúng cho mọi việc tốt lành. Anh nói đây là phong tục của dân địa phương trước lúc đi xa và phải ngủ lại trong rừng. Chia tay anh, chúng tôi quá đỗi vui mừng vì đã tìm được người dẫn đường lên đỉnh Dong Ngai. Về nơi đóng quân, chúng tôi lo chuẩn bị đầy đủ những thứ mà anh dẫn đường đã dặn. Người dân nơi đây sợ leo lên đỉnh núi này lắm và họ rất coi trọng tín ngưỡng, còn đối với anh em chúng tôi thì vừa muốn đi để  hoàn thành nhiệm vụ, vừa muốn tìm hiểu xem tập quán của người dân nơi đây có gì đặc biệt không.

Đúng hẹn, ba ngày sau chúng tôi mang đầy đủ những thứ mà anh Nhiên đã dặn cùng với lương thực dự trù đi khoảng một tuần. Đi với chúng tôi, ngoài anh còn có hai người nữa cùng đi. Đúng 8 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu xuất phát. Tất cả mọi người trên vai ba lô nặng trĩu, hồ hởi sánh bước lên đường chẳng khác gì các chiến sỹ giải phóng quân ra trận năm nào. Cứ đi được khoảng hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi phải dừng lại nghỉ một lúc. Ai nấy đều đã thấm mệt, mồ hôi vã ra như tắm vì phải luồn rừng leo dốc. Lúc ngồi nghỉ mệt uống nước, bất chợt tôi nhìn thấy con gà trống mang theo đã chết từ lúc nào, đầu nó đã tím ngắt. Mặc dù lúc cho vào bao tôi đã cẩn thận khoét thủng một lỗ cho gà thò đầu ra ngoài, nhưng có lẽ vì đường xa lại leo dốc liên tục nên nó đã bị chết ngạt lúc nào không hay. Ba người dẫn đường nhìn nhau và nói với nhau bằng tiếng dân tộc Vân Kiều, tôi không hiểu, nhìn nét mặt, ánh mắt họ tôi nhận ra vẻ lo sợ, hình như đó là một điềm báo trước sẽ có điều không may. Lúc đó chúng tôi đành phải an ủi họ. “Các anh ạ ! không sao đâu, mọi việc rồi sẽ tốt đẹp thôi, chẳng qua nó nghẹt cổ quá mà chết chứ không sao đâu, biết đâu đó lại là điều may mắn thì sao?” Sau khi nghỉ mệt, chúng tôi tiếp tục lên đường. Trước tình hình đó họ có vẻ chán nản hơn và liên tục quên đường làm chúng tôi càng lo lắng thêm. Thấy tình thế như vậy, chúng tôi quyết định dựng lán để nghỉ và làm thịt con gà cúng luôn vì nhìn đồng hồ lúc này cũng đã bốn giờ chiều rồi. Dựng lán trại xong, hai người chúng tôi làm gà để luộc những người còn lại đi nhóm bếp và hái rau rừng. Một lát sau khi gà luộc chín, anh Nhiên làm lễ cúng cùng những thứ mà họ dặn chúng tôi mang theo. Họ cúng bằng tiếng Vân Kiều. Nhang đã cháy hết, con gà trống được chia ra mỗi người một miếng, còn nước luộc thì đang nấu cháo với mọi thứ rau rừng cho vào cả nấm và mộc nhĩ kiếm được. Nồi cháo tỏa mùi thơm ngào ngạt, lúc ăn tôi có cảm giác như chưa bao giờ được thưởng thức món cháo ngon tuyệt vời đến  như vậy. Ăn xong chúng tôi đi ngủ để sáng mai lại tiếp tục lên đường. Nhìn hai anh em họ tôi thấy thoải mái hơn vì chúng tôi kịp cúng tế làm lễ cúng thần linh rồi.

Sáng hôm sau chúng tôi đi tiếp, trên đường đi họ nói: “Đấy ! tôi đã đi lâu lắm rồi nhưng quên vì tối qua đã cúng thần linh nên nay đi tôi nhớ đường nhiều nhiều đó”. Cứ thế vừa đi chúng tôi vừa nói chuyện để quên đi nỗi mệt nhọc khi leo dốc, qua nhiều đèo thác cheo leo hiểm trở và hai đêm ngủ lại rừng.

Ngày thứ ba chúng tôi cũng đến được chân núi mà chúng tôi cần lên. Tôi nhìn lên đỉnh núi cảm thấy nếu không có người dẫn đường chắc chúng tôi sẽ không bao giờ leo lên đỉnh núi cao chót vót với những dốc đá dựng đứng kia được. Tôi ước chừng từ đây lên đỉnh chắc cũng từ ba, bốn trăm mét nữa. Lúc đó anh Nhiên nói với tôi rằng: “Đến đây rồi thì từ đây đến đỉnh chỉ có một lối duy nhất mà thôi, nếu không đi đúng thì không bao giờ lên được, lần trước anh dẫn đoàn lên đi một vòng rồi nên anh biết.

ấod

Rồi điều gì chúng tôi mong muốn cũng đã dần hiện ra trước mắt, lên được đỉnh núi Dong Ngai cao 1.774m nhìn về thị trấn A Lưới như thu nhỏ trong lòng bàn tay vậy. Khi công việc đo ngày hôm nay đã xong thì phải ngủ lại đỉnh núi để sáng mai đo tiếp một ca nữa. Đêm đó trên đỉnh núi chúng tôi đốt một đống lửa, còn mỗi người mắc một cái võng lưng chừng ở quanh gốc Sung, một cái trại bạt lớn được chúng tôi kéo phủ kín hết tất cả đống lửa và mỗi khi chân chạm đất là đã có những con vắt bám vào, đây là một loài sinh vật không thể thiếu của rừng núi. Đêm đó dưới ánh sáng của đống lửa tôi cảm thấy không xua đi được cái lạnh giá của núi rừng và sương mù dày đặc cùng với mưa bay, thật là một đêm lạnh không thể nào ngủ được, chỉ trông cho trời mau sáng… Và cái đêm lạnh lẽo buốt giá ấy cũng từ từ trôi qua và trời cũng bắt đầu sáng, chúng tôi thức dậy và cố nhai cho hết một gói mì tôm sống vì không đủ nước để nấu. Chỉ còn một ít nước để dành cho lúc đi xuống núi. Đến khi đo xong chúng tôi nhanh chóng tụt xuống chân núi và cầu mong cho đừng lạc đường. Thường thì cứ leo núi và đi sâu vào trong rừng hai ba ngày, thì đi ra chỉ có một ngày là tới nơi. Đúng như dự định, việc đã hoàn tất một cách tốt đẹp, khi xuống đến chân núi thì trời đã tối, chúng tôi phải ngủ lại ở đây thêm một đêm nữa để sáng mai về cho kịp.

Sáng hôm sau ăn cơm xong, chúng tôi trườn xuống dốc như chạy, người nào cũng thấy trong lòng quá đỗi vui mừng vì nhiệm vụ đã hoàn thành. Mặc cho quần áo rách tả tơi và trên người đầy những vết vắt cắn, máu vẫn dính nhiều trên quần áo. Khi về gần tới buôn làng tuy bụng đói, song ai cũng thở phào nhẹ nhõm vì công việc đã hoàn thành. Lúc dừng lại nghỉ chân, anh Nhiên thấy một trái dưa chín liền vào hái ngay tức khắc. Anh cho biết đây là một vườn dưa của người ở làng anh vào tận nơi đây trồng, những trái chín như vậy thì rất ít, chúng tôi ăn như chưa bao giờ được ăn vậy. Chúng tôi tiếp tục đi, khi về gần đến làng mùi hương quế của người dân nơi đây trồng thơm ngào ngạt. Lúc nhìn thấy nhà mình, anh Nhiên nhảy lên mặc dù còn ở trên dốc cao và xa. Anh lao xuống và kêu lên “Vợ ơi… Vợ ơi…”, tôi cảm thấy như anh chưa bao giờ phải đi lâu và xa như vậy. Anh chạy như đằng trước có vật gì hút lấy, mặc cho chúng tôi lẽo đẽo theo sau với những chiếc ba lô đã nhẹ bớt đi nhiều. Về tới làng chúng tôi cảm thấy sung sướng vì đã qua một cuộc hành trình đầy gian nan và vất vả. Đêm đó chúng tôi ở lại buôn làng vui cùng các anh và gia đình uống rượu bên đống lửa ấm tình người. Và chắc rằng chúng tôi không bao giờ quên những tình cảm mà người dân nơi đây đã tận tình giúp đỡ. Tôi mong rằng sẽ có một ngày nào đó được gặp lại các anh và người dân thắm tình nơi đây./.

Công ty Đo đạc Địa chính và Công trình
Số 30, đường số 3, khu phố 4, phường Bình An, Quận 2, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 08.3741 5222, 08.38995111       Fax:    08.38990538
Copyright © 2006 CESC Software Group. All rights reserved